Đi qua 2 quý của năm 2024, bức tranh nông sản ghi nhận nhiều điểm sáng. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu đã ngày càng mở rộng thị trường, được các khách hàng quốc tế ưa chuộng, điều này được minh chứng ở việc tăng cả giá trị và số lượng đơn hàng.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 2,45 tỷ USD; nhóm lâm sản đạt 1,46 tỷ USD; nhóm thủy sản đạt 880 triệu USD; nhóm chăn nuôi đạt 48 triệu USD…

Nhiều loại trái cây Việt Nam đã chinh phục được thị trường khó tính.

Những tín hiệu khả quan

Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu chứng kiến sự đột phá ấn tượng, chẳng hạn như cà phê đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 31%, gạo đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 25%, rau quả đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, ngành nông nghiệp có khởi đầu khá tốt khi duy trì được mức tăng trưởng ổn định, nhất là khi sản xuất nông nghiệp vừa được mùa, vừa được giá. Số liệu thống kê cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp tăng 10,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá sản phẩm cây hàng năm tăng 11,27%; cây lâu năm tăng 22,3%.

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, những con số nói trên cho thấy những tín hiệu đáng mừng của ngành nông sản Việt.

Với những nỗ lực của ngành nông nghiệp, thời gian qua, nhiều loại trái cây, nông sản “made in Vietnam” đã đặt chân đến nhiều thị trường trên thế giới. Đặc biệt, với những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… việc có thể thâm nhập và vững chân tại các thị trường này cho thấy, chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu của chúng ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thế giới.

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bày tỏ, trong 7 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây của DN gặp nhiều thuận lợi, đơn hàng tăng nên doanh thu tăng, cho thấy những dự cảm vui sẽ đến với hoạt động nông sản xuất khẩu cả năm 2024. Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho hay, năm 2024, lần đầu công ty xuất khẩu xoài An Giang đi Mỹ, Australia, và cũng trong năm này, sản phẩm sầu riêng của DN này cũng đã được xuất thêm một sản lượng lớn sang thị trường Trung Quốc. “7 tháng qua, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản rất thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu tăng” – ông Tùng chia sẻ.

Cũng theo ông Tùng, nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ liên tục, nên xuất khẩu trái cây của DN tăng trưởng khá ấn tượng trong nửa đầu năm. Trong đó, nhiều loại trái cây thâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, Australia, New Zealand…

Còn theo lãnh đạo Công ty TNHH Trà Vinh Farm, với các sản phẩm liên quan đến mật hoa dừa nước, trong nửa đầu năm, DN này ghi nhận hoạt động xuất khẩu tăng khoảng 200% so với năm 2023, tập trung tại các thị trường Đức, Hà Lan, Mỹ và mở rộng thêm thị trường Australia.

Nêu nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây tăng mạnh thời gian qua, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho hay: Hiện Việt Nam có nhiều loại trái cây mới xuất khẩu vào nhiều thị trường. Trước đây có xuất khẩu nhưng chưa được ghi nhận vì chưa xuất khẩu chính ngạch. Từ ngày sầu riêng xuất chính ngạch sang Trung Quốc, bưởi xuất sang Mỹ – New Zealand, nhãn xuất được sang Nhật Bản… các DN xuất khẩu nông sản, trái cây đã có nhiều cơ hội để bứt phá.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, để có thể thu về những “trái ngọt” trong xuất khẩu nhóm ngành hàng nông sản nói chung, ngành rau quả, trái cây nói riêng, có sự nỗ lực lớn của nhà quản lý cũng như cộng đồng DN trong việc đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ chế biến, thúc đẩy gia tăng chất lượng sản phẩm, từ đó nâng sức cạnh tranh. Và đây cũng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Ấn tượng từ sầu riêng, gạo, thủy sản

Một trong những sản phẩm đạt điểm sáng nhất trong bức tranh nông sản xuất khẩu thời gian qua phải kể đến sầu riêng. Loại trái cây này được nhiều DN ví là “hồn” của trái cây Việt Nam vì được ưa chuộng hàng đầu tại các thị trường nhập khẩu.

Theo chia sẻ của nhiều DN, sầu riêng đông lạnh xuất sang Trung Quốc luôn được giá, thường cao gấp 2,5 lần sầu riêng tươi và các DN nhận được nhiều đơn hàng. Có DN mỗi tháng xuất 2 container sầu riêng đông lạnh.

Cũng là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 4 – 5% GDP và chiếm 9 – 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu (chỉ sau điện tử, may mặc, dầu thô, giày dép), theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng qua dù rất khó khăn khi phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ… song nhiều DN thủy sản cho biết, kim ngạch, giá trị xuất khẩu tôm tiếp tục tăng trưởng tốt.

Cùng với trái cây, thủy sản thì ngành gạo xuất khẩu trong 2 quý đầu năm cũng ghi nhận những con số “lấp lánh”. Đơn cử, lần đầu tiên gạo của Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines với gần 1,94 triệu tấn, trị giá hơn 1,2 tỷ USD, tăng hơn 14% về lượng, tăng hơn 40% về trị giá.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam hơn 6 tháng qua có mức cao kỷ lục: 636 USD/tấn, tăng 18% so với mức giá bình quân 538 USD/tấn của 6 tháng đầu năm 2023. Chẳng hạn, có thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn, sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn…

Theo VFA, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… ở mức cao và tăng lên. Ngoài ra, các DN xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Như vậy, có thể thấy, bức tranh xuất khẩu nông, thủy sản đang đón nhận những tín hiệu tích cực. Dự báo, nửa cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng lên, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục bận rộn vào khoảng thời gian này.

Do vậy, các DN xuất khẩu cần phải nỗ lực chớp “thời cơ vàng” để bứt tốc trong thời điểm nước rút này. Và để chớp được thời cơ, theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vấn đề quyết định vẫn phải là chất lượng, đảm bảo chữ tín, đáp ứng các quy chuẩn khắt khe, nâng cao hàng rào kỹ thuật để chủ động đáp ứng tất cả các thị trường.

Nguồn: https://daidoanket.vn/xuat-khau-nong-san-lap-lanh-nhung-tin-hieu-vui-10287730.html