TRÁI CÂY VIỆT NAM TỪNG BƯỚC KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu… đã và đang giúp nâng cao chất lượng, giá trị trái cây Việt Nam, khẳng định được thương hiệu, từng bước tiếp cận những thị trường khó tính trên thế giới. Công ty TNHH Thực Phẩm Hùng Hậu rất tự hào là một trong những đơn vị tiên phong, có kinh nghiệm về mãng xuất khẩu rau, củ, quả đông lạnh ra thị trường thế giới. Tạo đầu ra ổn định cho nông sản, cải thiện cuộc sống của bà con nông dân.

Tiếp cận thị trường khó tính

Thời gian qua, mặt hàng trái cây Việt Nam đã không chỉ bó hẹp ở xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhiều lô hàng vải, nhãn, xoài, thanh long… đã tiếp cận các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a… Việc thâm nhập các thị trường này đã khẳng định được thương hiệu “trái cây Việt” tại thị trường thế giới, đồng thời góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân.

5 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Sơn La đã có sự phát triển vượt bậc cả về diện tích lẫn sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, Sơn La đã vươn lên trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước với diện tích gần 72.000 ha, sản lượng đạt 280.000 tấn. Năm 2019 xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt 142 triệu USD, trong đó cây ăn quả chiếm gần 18 triệu USD. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho biết, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả, tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án xuất khẩu và kết nối tiêu thụ trong nước với hai sản phẩm là xoài, nhãn. Từ đầu vụ đến nay, người dân đã thu hoạch 30.600 tấn xoài (tiêu thụ trong tỉnh 3.700 tấn, tiêu thụ ngoài tỉnh thông qua các hệ thống siêu thị khoảng 7.000 tấn, xuất khẩu đạt 7.466 tấn)… Hiện nay, 12 sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn như: xoài, nhãn, bơ, thanh long… xuất khẩu sang 16 nước, trong đó có Pháp, Anh, Nhật Bản… Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, huyện Mai Sơn đã xuất khẩu lô 30 tấn xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ. Đây là tín hiệu vui cho nông sản của huyện nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Đó cũng là minh chứng cho những chính sách phát triển nông nghiệp hiệu quả của tỉnh trong những năm qua và những nỗ lực của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đối với cây nhãn, đến nay Sơn La có hơn 17.292 ha. Tỉnh đang đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Dự kiến, vụ nhãn năm nay cho thu hoạch 70.400 tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 7.000 tấn, giá trị khoảng 9 triệu USD, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản…

Với hơn 28.000 ha vải, sản lượng vụ vải vừa qua của tỉnh Bắc Giang ước đạt 160 nghìn tấn. Tỉnh đã phối hợp Cục Bảo vệ thực vật lựa chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng, diện tích 103 ha với 107 hộ tham gia. Tỉnh cũng có 18 mã số vùng trồng vải, diện tích 218 ha tại sáu xã của huyện Lục Ngạn xuất khẩu sang Mỹ, EU, Ô-xtrây-li-a… Nhằm bảo đảm vải có chất lượng đến với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tỉnh chủ động hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cho người dân về kỹ thuật canh tác, chăm sóc; đồng thời giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, bảo đảm thời gian cách ly; thực hiện ghi chép, truy nguyên nguồn gốc. Vừa qua, 800 tấn vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, EU…

Tại Hải Dương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lương Thị Kiểm cho biết, vụ vải năm nay, trên địa bàn trồng 10.500 ha với sản lượng đạt khoảng 40 đến 42 nghìn tấn. Theo thống kê, thu nhập từ trồng vải sớm đạt khoảng 250 triệu đồng/ha và 200 triệu đồng/ha với vải chính vụ. Đến nay, toàn tỉnh đã xuất khẩu được 1.600 tấn vải sang các thị trường khó tính. Đặc biệt, vụ này lần đầu vải Thanh Hà đã xuất khẩu một lô 1,2 tấn sang thị trường Nhật Bản.

Thay đổi tư duy sản xuất

Không chỉ quan tâm quảng bá, kết nối tiêu thụ, các địa phương đang có nhiều chính sách hỗ trợ, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết sản xuất nhằm tăng giá trị cây ăn quả. Điển hình như Sơn La đã vận dụng tốt các cơ chế, chính sách, từ đó tác động làm thay đổi tư duy sản xuất của nhân dân khi chuyển đổi hàng chục nghìn héc-ta đất trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Năm 2015 diện tích cây ăn quả mới đạt khoảng 21.000 ha, đến nay đã tăng gấp ba lần. Người dân đã chủ động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất, từ đó giá trị canh tác không ngừng tăng cao. Trong đó, cây na hoàng hậu đạt 600 triệu đồng/ha/năm; chanh leo tím, bơ đạt 500 triệu đồng/ha/năm; xoài ghép 400 triệu đồng/ha/năm; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, Hợp tác xã Na Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn trồng na cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha/năm; Hợp tác xã trồng nhãn Bảo Minh, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã đạt hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh đang xây dựng dự thảo đề án phát triển cây ăn quả từ nay đến năm 2025. Theo đó, một loạt chính sách sẽ được điều chỉnh, bổ sung với phương châm khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng việc đăng ký chứng nhận sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, đóng gói, bao bì sản phẩm.

Theo thống kê, lượng trái cây xuất sang thị trường khó tính ngày càng tăng, trong đó có những thị trường tăng trưởng rất tốt như Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản… Tuy nhiên, cây ăn quả xuất khẩu của nước ta đến các thị trường này cũng đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước khác. Do đó, nếu ngành trái cây Việt Nam không thay đổi thì vấn đề xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Ngoài vấn đề chất lượng, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cần được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, cần đẩy nhanh sản xuất theo hướng hàng hóa ở quy mô lớn để đáp ứng được những đơn hàng lớn của nhà nhập khẩu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hạn chế lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả ở nước ta hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, khó đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức liên kết sản xuất; năng suất bình quân nhiều loại cây ăn quả thấp; hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu… Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung; xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc, trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn. Ngoài ra, căn cứ vào định hướng phát triển chung, mỗi địa phương chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực để phát triển theo chuỗi, nâng cao giá trị thu nhập; ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây ăn quả chủ lực trồng tập trung để tạo sản phẩm an toàn, hiệu quả cao, bền vững; khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây…